Hợp đồng nguyên tắc – “Khung xương” của hợp đồng kinh tế
Định nghĩa một cách đơn giản, hợp đồng nguyên tắc là hợp đồng chỉ các vấn đề chung của sự hợp tác, không đề cập sâu đến vấn đề chi tiết. Hợp đồng nguyên tắc thường được ký theo năm hoặc theo quý dài hạn và sử dụng trong các giao dịch thường xuyên, giá trị giao dịch không quá lớn.
Hiểu rõ khái niệm hợp đồng nguyên tắc là gì theo quy định pháp luật
Theo pháp luật quy định, hợp đồng nguyên tắc là một loại hợp đồng bắt buộc phải xây dựng và kí kết giữa hai bên đối tác khi có hợp tác kinh doanh. Trong hợp đồng nguyên tắc gồm có: thông tin cơ bản của các bên trong thương vụ hợp tác kí kết hợp đồng, đối tượng kí kết hợp đồng, đồng thời có đầy đủ quyền – nghĩa vụ – trách nhiệm của các bên và các cam kết giữa hai bên. Đặc biệt không được thiếu thời hạn của hợp đồng, nguyên tắc xác định giá cả (giá trị hợp đồng) và phương thức thanh toán, thời gian thực hiện. Cần có các thông tin này để tránh trường hợp không đạt được mục đích giao kết, dẫn đến tranh chấp khó xử lý.
Tại sao cần ký hợp đồng nguyên tắc?
Dù không mang tính quy phạm pháp luật cao như hợp đồng kinh tế, nhưng hợp đồng nguyên tắc lại giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo về mặt pháp luật cũng như mang tính ràng buộc giữa các đối tác. Đặc biệt với các thương vụ hợp tác lâu dài và thường xuyên, việc kí kết hợp đồng theo đúng thủ tục pháp luật làm hao phí rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp và các đối tác. Do vậy, hợp đồng nguyên tắc ra đời để đảm bảo sự cam kết, thiết lập các nguyên tắc nền tảng, quy chuẩn cho hoạt động giao dịch lặp lại, tối ưu thủ tục giao dịch, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả kinh doanh.
Phân biệt hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng kinh tế
Để phân biệt hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp thường dựa vào 6 tiêu chí sau
1. Tiêu chí về mục đích
Thông thường, hợp đồng nguyên tắc để xác định các vấn đề chung trong giao dịch như thời gian thực hiện, giá trị tổng giao dịch, hạn mức giao dịch… Còn hợp đồng kinh tế xác định đến các vấn đề chi tiết như cách thức, hình thức giao dịch, số lượng… và bắt buộc phải thực hiện chính xác.
2. Tiêu chí tên gọi
Hợp đồng nguyên tắc có thể được đặt tên chung chung như hợp đồng nguyên tắc mua hàng, hợp đồng nguyên tắc nhà phân phối… Nhưng hợp đồng kinh tế cần xác định chính xác vấn đề kí kết: Hợp đồng mua bán vật tư xây dựng, hợp đồng thuê mặt bằng…
3. Tiêu chí nội dung thỏa thuận
Hợp đồng nguyên tắc mang tính định hướng là chính, thường có các phụ lục đi kèm khi cần bổ sung thêm các điều khoản, còn hợp đồng kinh tế mang tính quy chuẩn, có đầy đủ các điều khoản ràng buộc và rõ ràng về mặt quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên.
4. Tiêu chí giải quyết tranh chấp
Hợp đồng nguyên tắc không thường dùng để giải quyết tranh chấp vì không đưa rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các bên. Khi giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp cần sử dụng hợp đồng kinh tế.
5. Tiêu chí thời gian
Thông thường, hợp đồng nguyên tắc được ký kết vào đầu năm hoặc đầu kỳ kinh doanh, có giá trị theo thời gian dài nên không phụ thuộc nhiều vào số lượng giao dịch hay đơn hàng. Bù lại, hợp đồng kinh tế áp dụng cho mọi giao dịch, được thực hiện trước khi một giao dịch diễn ra.
6. Tiêu chí đối tượng
Với hợp đồng nguyên tắc, đối tượng áp dụng là dành cho các công ty không ở gần nhau hoặc các công ty có tần xuất thực hiện các thương vụ thường xuyên và có giá trị không lớn. Ngược lại, hợp đồng kinh tế dành cho các công ty có ít giao dịch nhưng mỗi giao dịch có giá trị lớn, mức độ ràng buộc cao và gồm nhiều chi tiết quy định về trách nhiệm giữa các bên.
Những lưu ý chung khi ký kết hợp đồng nguyên tắc
Để đảm bảo hợp đồng nguyên tắc được thực hiện thuận lợi, các bên cần trao đổi và thỏa thuận với nhau rõ ràng các điều khoản trong hợp đồng, soạn thảo đầy đủ thông tin và có xác nhận rõ ràng về các mốc thời gian để tránh sai sót trong thời gian thực hiện kéo dài. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú ý cập nhật, sửa đổi, bổ sung các phụ lục khi cần thiết để tránh gây tranh cãi trong thời gian hợp tác.
Với những thông tin trên mong rằng sẽ hữu ích với bạn !
Chúc bạn sức khỏe !
Xem thêm: Chứng minh nhân dân có thời hạn bao lâu